Bất động sản khởi sắc sau đại dịch

Ngày xem: 2020/11/23 09:40:14 - Lượt xem: 676

- Việt Nam là một trong những nước “chiến thắng” đại dịch, tuy trải qua 2 đợt biến động nhưng đến nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình. Vậy trong một năm đầy thăng trầm đấy, tình hình bất động sản Việt Nam đã diễn ra như thế nào và phải chăng sẽ khởi sắc trong thời gian tới?

“Bão” đến trở tay không kịp

Khi “bão” đại dịch vừa oanh tạc, không một sự báo trước, ngay tức khắc không chỉ các ngành kinh tế khác mà bất động sản cũng điêu đứng trở tay không kịp. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, trong quý I/2020 chỉ có 13.042 giao dịch bất động sản thành công, đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu. Mọi thứ chết lặng và ngừng lại …

Nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng không ngoại lệ, trong nhiều năm trở lại, bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI nhưng đầu năm nay thì sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, rớt xuống vị trí thứ 4 về thu hút FDI.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp. Cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.

Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các phương án ứng phó bão như “đóng băng” đất nước, giãn cách xã hội, mọi người dân ở yên trong nhà. Khi nhiệm vụ toàn nước toàn dân cấp thiết lúc này là “chống dịch như chống giặc”, phát triển kinh tế trở thành một nhiệm vụ thứ yếu. Chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã ngay tức khắc có hiệu quả, sau thời gian đầu “điêu đứng” vì dịch, đến quý II/2020 Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch, đất nước dần bước sang giai đoạn phục hồi, xuất hiện những dấu hiệu tăng trưởng đáng mừng …

 

Bất động sản Hà Nội giảm sốc... vẫn vắng người mua

 

Bất động sản ảm đạm trong mùa dịch

Ứng phó “bão”

Đất nước chuyển sang giai đoạn sống chung với bão, vừa ứng phó “bão”, vừa linh hoạt khởi động lại hoạt động kinh tế. Bất động sản cũng có những bước chuyển mình và dần hồi phục. Quý II/2020, chúng ta có 325 dự án với 70.317 căn hộ được cấp phép, tăng mạnh so với Quý I/2020, cụ thể tại một số địa phương trọng điểm như Hà Nội cấp phép 8 dự án (Quý I/2020 là 0 dự án), tại TP. Hồ Chí Minh 4 dự án (Quý I/2020 là 0 dự án). Giao dịch bất động sản thành công cũng tăng lên, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng so với quý I/2020 tương ứng là 116% và 140,6%. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.

Khối lượng sản phẩm giao dịch bất động sản cũng tăng đáng kể với khoảng 130-140% so với Quý I/2020. Các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trên đà phục hồi sau thời gian dài im ắng, hiệu suất kinh doanh bình quân tăng 30-40%. Số nhà ở được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định tăng đáng kể với gấp 8 lần so với quý trước đó. Có thể thấy bất động sản Việt Nam đang thích ứng tốt hơn trước đại dịch và chuyển từ thế bị động sang chủ động.

Đợt dịch thứ 2 (quý III/2020) bùng lên, chúng ta tiếp tục “mềm dẻo” ứng phó. Cả nước có 295 dự án với 125.449 căn hộ được cấp phép giảm khoảng 9,3% so với 3 tháng trước đó. Tuy nhiên số lượng dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tăng mạnh khoảng 82%. Số giao dịch bất động sản thành công cũng tăng lên đáng kể, tăng 219% tại Hà Nội và 170,6% tại TP. Hồ Chí Minh so với thời điểm trước đó. Tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý I/2020.

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam nói chung và bất động sản nói riêng đã có những sự nỗ lực đáng kể để “biến nguy thành an”, giúp Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt so với các nước khác trên thế giới.

Bất động sản 2021 và Sự trỗi dậy của những thị trường mới

Bất động sản vực dậy

Liệu “bão” sẽ qua? Tương lai nào cho Bất động sản Việt Nam

Covid-19 đến bất ngờ và 2 đợt dịch diễn ra dữ dội nhưng không khiến chúng ta nản lòng mà càng mạnh mẽ “tìm ngọc trong đá”, “trong cái khó ló cái khôn”. Đại dịch vẫn còn đó nhưng nhiều dự đoán sẽ sớm qua, Bất động sản sẽ lại có cơ hội vực dậy mạnh mẽ. Gần đây, các tin tốt liên tục kéo đến khi các công ty như Pfizer (Mỹ), BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ)… lần lượt đưa ra những thử nghiệm vaccine có thể đạt hiệu quả đến 95% và sẽ sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi. Mặt khác, Joe Biden của Đảng Dân chủ khả năng cao sẽ đắc cử và ưu tiên dập tắt dịch bệnh tại Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ hạ nhiệt và có thể có những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Việt Nam phát triển.

Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) sớm có hiệu lực, kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam hay việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam… Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản.

Có thể nói, với những tín hiệu đáng mừng như hiện nay, kì vọng 2021 và xa hơn, bất động sản sẽ lại trỗi dậy mạnh mẽ và lấy lại vị thế độc tôn của mình trên thị trường.

 Đăng ký kênh Youtube để theo dõi các video Thị Trường mới nhất!

>> Covid – 19 hạ nhiệt, doanh nghiệp mới khởi sắc

>> Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Tin liên quan