Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh này xác định Chơn Thành và Đồng Xoài là hai đô thị cùng tăng trưởng mạnh, là cơ sở để phát triển vùng đô thị lớn ở phía Nam.
Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025, tỉnh Bình Phước sẽ có khoảng 18 đô thị; đến năm 2030 sẽ có khoảng 22 đô thị.
Theo đó, giai đoạn 1 (2021 - 2025), Bình Phước sẽ nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 7 đô thị mới đối với các xã: Đức Liễu, huyện Bù Đăng; Bù Nho, huyện Phú Riềng; Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; Tân Lập và Tân Hòa, huyện Đồng Phú; Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030) sẽ đầu tư phát triển các đô thị: Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II; Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III; Tân Khai, huyện Hớn Quản và Tân Phú, huyện Đồng Phú hướng đến là đô thị loại IV.
Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 4 đô thị mới đối với các xã: Tân Tiến, huyện Đồng Phú; Lộc Thái, huyện Lộc Ninh; Thanh An, huyện Hớn Quản; Tân Hưng, huyện Hớn Quản.
Đầu tư để hình thành một khu đô thị mới tại vùng đô thị phía nam là khu đô thị mới khu vực cầu Nha Bích và hồ Phước Hòa để liên kết đô thị động lực vùng phía nam Đồng Xoài - Chơn Thành. Không gian phát triển đô thị là hành lang Sông Bé, hồ Phước Hòa, hệ thống bậc thang hồ Suối Cam và trục quốc lộ (QL) 14.
Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 42%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 2,9 - 3% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt khoảng 3 - 3,2%.
Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 22 - 24% vào năm 2025 và 24 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10 m2 vào năm 2030.
Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 30 m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32 m2.
Về định hướng không gian phát triển, đề xuất phát triển vùng đô thị lớn ở phía Nam. Xác định Chơn Thành và Đồng Xoài là hai đô thị cùng tăng trưởng mạnh, có quy mô không quá chênh lệch nhau, và ở cự ly gần nhau nên sẽ dần phát triển lan tỏa và ít có khoảng phân biệt giữa hai đô thị.
Đồng thời, vùng huyện Đồng Phú có vị trí tiếp giáp Bình Dương, có diện tích lớn công nghiệp đã được quy hoạch ở phía Nam, có các giao thông kết nối mở ra tiềm năng mới (đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT 02), kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương với QL 14 và tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…) cũng sẽ tham gia vào quá trình đô thị hóa của vùng tam giác phát triển.
Sự phát triển lan tỏa từ Chơn Thành - Đồng Xoài sang phía đông và từ Bình Dương lên phía bắc sẽ giúp phía tây, phía nam và trung tâm Đồng Phú gia tăng vai trò trong vùng đô thị lớn của tỉnh.
Ngoài vùng đô thị lớn phía nam, tiếp tục phát triển mạng lưới đô thị toàn tỉnh với hai hạt nhân ở phía tây và phía đông bắc là Bình Long và Phước Long, đề xuất bổ sung đô thị hình thành mới tại vị trí tiềm năng; không cần thành lập đô thị mới tại vị trí đã có phát triển đô thị lan tỏa, thay vào đó, mở rộng ranh giới của hai đô thị liền kề để đảm bảo cung cấp hạ tầng và tiện ích.