(CTTĐTBP) - Đầu tư, phát triển giao thông kết nối vùng được Bình Phước xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ các nút thắt về thu hút đầu tư, rút ngắn khoảng cách giao thương giữa các địa phương và khu vực; tạo sự phát triển chung về kinh tế-xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ tỉnh, Bình Phước tập trung cao độ cho mục tiêu hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư các tuyến giao thông kết nối vùng và khu vực.
Từ quan điểm đó, tỉnh tập trung xây dựng tuyến giao thông huyết mạch nối trực tiếp hai công trình cảng lớn nhất của cả nước là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải.
“Gần nhà, xa ngõ”
Bình Phước nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh. Hệ thống giao thông trên địa bàn đang ngày càng hoàn thiện như quốc lộ 13 kết nối thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và Campuchia, Lào, Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước, Bình Dương về thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực đã cơ bản hoàn thiện nhưng đến nay chỉ duy nhất Bình Phước chưa có tuyến đường nối với tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những “điểm nghẽn” về liên kết vùng, nhất là trong giai đoạn này, tỉnh Đồng Nai đang có nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số tuyến đường kết nối cảng Cái Mép-Thị Vải. Mặt khác, Đồng Nai cũng là tỉnh phát triển về công nghiệp bậc nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai mở rộng sản xuất và đặt nhà máy gia công tại Bình Phước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà vì tuy khoảng cách địa lý không xa nhưng thiếu các cung đường kết nối, gây cảnh “gần nhà, xa ngõ”, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Chính điều này làm giảm đi sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Minh Hưng-Sikico (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước) Huỳnh Thành Chung cho biết, công ty của ông là đơn vị chuyên về mảng hạ tầng công nghiệp. Qua nhiều lần kêu gọi xúc tiến doanh nghiệp tại Đồng Nai mở rộng sản xuất về Bình Phước, nhưng hầu hết các nhà đầu tư còn e ngại về cung đường vận chuyển.
Mặc dù hai tỉnh giáp ranh, nhưng doanh nghiệp của ông từ Đồng Nai chuyển về gia công tại khu công nghiệp ở Bình Phước, quãng đường xa thêm khoảng 200 km. Do đó, ông Chung mong mỏi tỉnh sớm có giải pháp kết nối giao thông, liên kết vùng một cách thuận lợi để nhà đầu tư đến với Bình Phước nhiều hơn.
Trên thực tế, mọi giao thương của Bình Phước với Đồng Nai đang phải đi vòng qua tỉnh thứ ba là Bình Dương với cung đường dài hơn 120 km. Trong khi đó, Bình Phước và Đồng Nai có tới hơn 160 km đường giáp ranh; từ trung tâm tỉnh Bình Phước đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) theo đường chim bay chỉ khoảng 70 km. Chính việc phải kết nối qua Bình Dương đã làm quãng đường di chuyển quá xa và phát sinh nhiều chi phí.
Nhận thức được vấn đề này, nhiều năm qua, tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường liên thông với tỉnh Đồng Nai nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung và Bình Phước nói riêng. Mặt khác, Bình Phước đang đảm nhiệm trọng trách bảo vệ chủ quyền quốc gia trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia với chiều dài hơn 258 km đường biên với nước bạn. Mặc dù nguồn thu ngân sách hằng năm thấp nhưng Bình Phước luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia lên hàng đầu; xây dựng mối quan hệ với nước bạn ngày càng phát triển trên tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Để làm tốt hơn công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia và đối ngoại, rất cần các địa phương trong khu vực tạo điều kiện, ưu tiên cho Bình Phước mở rộng liên kết vùng.
Bên cạnh đó, trên tuyến biên giới đoạn qua tỉnh Bình Phước, đã xây dựng cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu quy mô hơn 28 nghìn ha. Đây là một trong những cửa ngõ kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Campuchia và Lào. Hiện nay, Bình Phước đang đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để thu hút các doanh nghiệp trong khu vực xuất khẩu sang Campuchia và Lào qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Do đó, việc xây dựng tuyến đường kết nối với tỉnh Đồng Nai không chỉ giúp Bình Phước kết nối với một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam mà còn giúp doanh nghiệp tại Đồng Nai mở rộng sản xuất tại Bình Phước và kết nối xuất, nhập khẩu từ Campuchia, Lào.
Chung tay gỡ nút thắt
Theo kiến nghị của Bình Phước, để xây dựng tuyến kết nối với Đồng Nai, hai tỉnh chỉ cần nâng cấp, mở rộng đường ĐT 753 (từ trung tâm tỉnh Bình Phước đến đoạn giáp ranh Đồng Nai) và xây cầu Mã Đà kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Khi khơi thông tuyến đường này, sẽ rút ngắn 60 km so với việc phải đi vòng theo tuyến đường hiện tại.
Hiện nay, tuyến đường ĐT 753 được Bình Phước đầu tư nhựa hóa với hai làn xe chạy đến giáp tỉnh Đồng Nai. Ngoài nỗ lực kết nối với Đồng Nai, hiện Bình Phước đang có các dự án giao thông kết nối vùng, như tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một (Bình Dương)-Chơn Thành (Bình Phước) với chiều dài hơn 68 km; cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) với chiều dài khoảng 140 km.
Sau khi hoàn thành các dự án này, cùng với các tuyến giao thông huyết mạch hiện nay (quốc lộ 13, 14, đường ĐT 741, đường Hồ Chí Minh (nối dài), Bình Phước sẽ thuận lợi trong kết nối vùng, liên vùng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết giúp Bình Phước phát triển mạnh kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến ĐT 753 của Bình Phước sẽ kết nối với ĐT 761 của Đồng Nai tại cầu Mã Đà và ĐT 762 kết nối ra quốc lộ 1 (được quy hoạch là tuyến quốc lộ 13C) sẽ triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Để tạo điều kiện cho Bình Phước và Tây Nguyên phát triển, tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng lại cầu Mã Đà và nâng cấp tuyến đường này trong giai đoạn 2021-2025.
Vừa qua, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đã xây dựng các phương án kết nối Bình Phước với Đồng Nai, trong đó có hai phương án khả thi cao là xây dựng tuyến qua vùng đệm rừng Cát Tiên vào đường vành đai 4 (tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng phương tiện từ miền Tây Nam Bộ, giảm tải giao thông trên các tuyến nội đô TP Hồ Chí Minh) sẽ kết nối từ Bình Phước đến quốc lộ 1 thuận tiện.
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là tuyến đường chỉ đi qua Bình Dương, không kết nối trực tiếp Đồng Nai và Bình Phước. Phương án khác có nhiều ưu điểm hơn là xây dựng tuyến đường từ Bình Phước qua cầu Mã Đà, kết nối trực tiếp với Đồng Nai, rút ngắn được khoảng cách giữa hai tỉnh hơn 60 km. Tuyến đường này sẽ thuận lợi kết nối Bình Phước, Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên về Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép-Thị Vải.
Tuy nhiên, phương án này có khoảng 30 km đường xuyên qua vùng lõi rừng quốc gia Cát Tiên nên phải xây dựng hàng rào, tường chống ồn, các cầu cạn, hầm chui cho động vật qua lại,… nên chi phí lớn. Hiện nay, khoảng 30 km đường xuyên vùng lõi rừng Cát Tiên phần lớn vẫn là đường đất. Cầu Mã Đà tuy hình thành từ trước nhưng do chiến tranh nên đã bị đánh sập. Việc đầu tư xây dựng lại cầu Mã Đà để kết nối hai tỉnh sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển chung của khu vực, việc mở lại tuyến đường cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có phương án hợp lý để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng trực tiếp đến khu dự trữ sinh quyển thế giới và tạo sự phát triển chung cho khu vực.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận nhiều vấn đề, trong đó khẳng định: Điểm nút lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông. Do đó, tỉnh phải đẩy mạnh kết nối giao thông với Đồng Nai và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.
Thủ tướng nhấn mạnh: Xây dựng cầu Mã Đà hết sức cần thiết, là vấn đề trọng tâm và phải thực hiện ngay, bắt đầu từ năm 2022. Khi triển khai dự án này, không chỉ Bình Phước mà Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đều có lợi. Liên quan đến vấn đề bảo vệ khu dự trữ sinh quyển, Đồng Nai cần bàn giải pháp theo hướng phải làm, chứ không thể không làm, vì đây là tuyến đường huyết mạch./.