Những tín hiệu tích cực như động thái quyết liệt tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, dòng tiền được khơi thông, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có chuyển biến mới sau một năm biến động.
Một năm bất ổn sắp qua
Trong diễn đàn được tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: 10 năm trước, thị trường bất động sản phải đối mặt với những khó khăn tương tự như thời điểm hiện nay. Đó là nợ xấu gia tăng, thanh khoản kém, thị trường gần như không có giao dịch do tồn kho nhiều, cơ cấu không phù hợp với thị trường. Hiện nguồn cung hạn chế, nhất là chưa có nhà ở phân khúc trung cấp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ông Hà thẳng thắn chỉ rõ, những khó khăn của thị trường đã được nhận diện. Đó là các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về đất đai, tiền vốn, quy hoạch và thủ tục đầu tư xây dựng. Trong đó, “điểm nghẽn” về đất đai liên quan đến giải phóng mặt bằng, quy định định giá đất gây khó cho địa phương trong việc thực hiện trình tự, thủ tục định giá đất. Về nguồn vốn, dù ngân hàng đã được nới room tín dụng nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân như thế nào lại là câu hỏi.
Ảnh minh hoạ
Trên góc độ doanh nghiệp bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đánh giá, năm 2022 là năm kỳ lạ của thị trường bất động sản khi biến động thăng trầm đột ngột. Cụ thể, thị trường đạt đỉnh vào quý II, nhưng cuối năm rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân là do sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thực, trên 80% là mua đầu cơ. Thị trường dư thừa nguồn cung bất động sản cao cấp, hạng sang, nhưng thiếu sản phẩm bình dân. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản khu vực trung tâm rất ít, do pháp lý ách tắc, tiền thuế sử dụng đất cao, vướng đất công… Lãi suất tăng quá cao, room tín dụng cạn kiệt là hệ quả tất yếu dẫn đến sự trầm lắng của thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest chỉ rõ sự khác biệt của giai đoạn hiện nay và 10 năm trước. Theo ông Hiệp, 2012 - 2013 thị trường xảy ra khủng hoảng nhưng là khủng khoảng thừa. Khi đó, nhà nhà làm bất động sản, công ty nào cũng làm bất động sản nên phải giảm giá. Nhưng lần này lại khác. Thị trường không có hàng, sức mua giảm. Vì không có hàng nên giá cũng không giảm.
Tín hiệu tích cực với thị trường
Trước khó khăn của thị trường địa ốc, giữa tháng 11, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được thành lập. Tổ công tác Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng, làm việc trực tiếp với các địa phương để tìm hiểu các nguyên nhân gây ra "điểm nghẽn", chủ yếu nằm ở thủ phục pháp lý".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc một số địa phương, doanh nghiệp và ghi nhận một số nhóm vấn đề vướng mắc có thể tác động đến thị trường bất động sản. Đó là những vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật chồng chéo mâu thuẫn và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm ở một số địa phương, dự án. Về vấn đề giải quyết điểm nghẽn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tổ công tác đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để đôn đốc tháo gỡ khó khăn, nhất là rà soát lại các dự án đang triển khai, đủ pháp lý nhưng có khó khăn. Đối với dự án còn vướng pháp lý, phải rà soát lại báo cáo, làm rõ nội dung vướng mắc, trên cơ sở đó có tháo gỡ nhất là dự án nhà ở thương mai.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành liên quan, các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội.
Tín hiệu tích cực đáng chú ý khác đó là việc giãn thời gian đáo hạn trái phiếu cũng như cho phép chuyển đổi trái phiếu sang tài sản. Đây là điểm nghẽn rất lớn đối với doanh nghiệp bất động sản. Một thông tin khác từ phía Hiệp hội ngân hàng cho biết, có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn.
Nhiều tín hiệu tích cực cho bất động sản, kỳ vọng thị trường phục hồi nhanh