Ngày 16-4, tại Nghĩa trang liệt sĩ Đắk Tô (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum), huyện Đắk Tô phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174 (Đoàn Cao - Bắc - Lạng) tổ chức lễ Khánh thành Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 174 hy sinh tại Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1967-1968.
Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 174 hy sinh tại Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1967-1968 được xây dựng khang trang trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Đắk Tô, bên trên ghi danh 48 anh hùng liệt sĩ có nguyên quán.
Tổng kinh phí xây dựng công trình là hơn 382 triệu đồng, trong đó kinh phí được hỗ trợ từ Ban Liên lạc Trung đoàn 174 là 50 triệu đồng. Sau hơn 5 tháng từ lúc lập hồ sơ thiết kế đến thi công, công trình đã hoàn thành và nghiệm thu.
Các đại biểu tham dự lễ khánh thành
Phát biểu tại buổi khánh thành, Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Trưởng Ban liên lạc Cựu Chiến binh Trung đoàn 174 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam xúc động thay mặt cho Ban Liên lạc gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, cựu chiến binh và các đại biểu tham dự.
Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội hỗ trợ Gia đình liệt sĩ TPHCM phát biểu tại buổi lễ
Đại tá Trần Thế Tuyển tự hào điểm lại lịch sử ra đời cũng như những chiến công vang dội của Trung đoàn 174, trong đó có chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh. Chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh 1967-1968 diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Chiến trường khốc liệt và anh hùng năm xưa, nay đã trở thành vùng đất giàu có, là phên dậu, mái nhà bền vững, thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại đa số cựu chiến binh từng tham gia trận đánh lịch sử này đã về với cuộc sống đời thường hoặc đã về với tổ tiên theo quy luật muôn đời. Nhưng trên 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174 - Đoàn A1 vẫn còn “nằm lại” nơi đây, trên núi rừng Tây Nguyên - Đắk Tô - Tân Cảnh này.
Xuất phát từ tình thương yêu đồng chí, đồng đội, các cựu chiến binh Trung đoàn 174, đặc biệt là Cựu chiến binh thuộc đoàn A1 năm 1967 đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum cùng các đơn vị liên quan xây dựng Bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh.
Nguyện vọng ấy đã được lãnh đạo các cấp tỉnh Kon Tum đáp ứng với tinh thần trách nhiệm chính trị và nghĩa cử văn hóa cao đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.
Đại biểu tri ân những anh hùng đã ngã xuống
Ông Đặng Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô cho biết, công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc, sự tôn vinh thành kính của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Tô đối với những anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch HĐQT NGUYỄN THANH NGÀ cùng trung tướng Lưu Phước Lượng và trung tướng Nguyễn Đức Hải tại Đăk Tô
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Theo lịch sử Trung đoàn 174 được khắc ghi trên bia tưởng niệm, Trung đoàn 174 Đoàn Cao - Bắc - Lạng được thành lập ngày 19-8-1949 tại huyện Hoài An, tỉnh Cao Bằng, nơi căn cứ địa Việt Bắc. Trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh và chiến dịch lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ như trận Đông Khê 1950, đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng thị xã Tân An trong chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia.
Trung đoàn đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong giai đoạn 1967-1968, tại mặt trận Tây Nguyên, Trung đoàn đã đánh địch liên tục 24 ngày đêm trên các cao điểm 875, 882, 823; đánh chiếm thị trấn Tân Cảnh đêm 30 Tết Mậu Thân 1968.
Tại đây, Trung đoàn đã cùng các đơn vị bạn loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 tên địch thuộc Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 4 của Mỹ và các đơn vị quân Ngụy trên địa bàn, bắn cháy 13 máy bay, phá hủy nhiều vũ khí, trang bị của địch.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trung đoàn được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Song, nơi đây, Trung đoàn có khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và xác định danh tính