Giới chuyên gia dự báo, kịch bản "sốt đất" sẽ còn lặp lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các nhà đầu tư sau một thời gian dài bị kìm hãm sẽ hoạt động trở lại sôi động hơn.
Giá đất liên tục "nhảy múa"
Những động thái của Nhà nước hay địa phương về quy hoạch… đều đã và đang bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá đất tạo các cơn sốt đất ảo. Điển hình trong số này phải kể đến việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, Cần Giờ, Phú Quốc. Mỗi lần địa phương đề xuất điều chỉnh và được Chính phủ phê duyệt thì bất động sản các khu vực này cũng điều chỉnh giá bán theo chiều hướng tăng cao hơn.
Cũng dọc từ Bắc vào Nam ngay từ đầu năm có thể kể đến những quy hoạch điển hình tác động đến thị trường bất động sản. Ví như Hà Nội dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021 nhưng chưa đầy 1 tuần, giá đất tại các khu vực ven sông Hồng đã tăng gấp 1,5 - 2 lần so với trước đó. Trong khi đó, quy hoạch này đã được đề xuất từ hơn 20 năm trước, và sau mỗi lần điều chỉnh ý tưởng quy hoạch, giá đất cũng được điều chỉnh theo.
Hay mới đây, dự án xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc - Thái Hà mới có thông tin về giá quyết định bồi thường, nhưng chỉ trong vài ngày giá rao bán nhà tại khu vực này đã tăng phi mã, nhiều người rao bán rầm rộ, mức giá đạt đỉnh tới 600 triệu đồng/m2.
Giá nhà đất phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) tăng cao ngất ngưởng sau khi có thông tin mở rộng đường. Ảnh Phạm Hưng
Khảo sát của PV Dân Việt, tại một số chuyên trang mua bán bất động sản cho thấy, giá đất mặt đường phố Chùa Bộc hiện nay được ghi nhận ở mức 150 - 300 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào diện tích, chiều rộng của mặt tiền.
Đơn cử như một căn diện tích 110m2 với 5 tầng thông sàn, cũng đang cho thuê kinh doanh. Có phần vỉa hè rộng nên sau khi mua về có chuyển đổi vừa cho thuê vừa ở đang được rao bán với giá 45 tỷ đồng. Tính ra 1m2 có giá 409,1 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tiến Lâm, chủ sàn giao dịch bất động sản Thái Hà (Hà Nội) cho hay, thông tin đền bù giá đất hiện là trên 47 triệu đồng/m2 thì tất yếu giá rao bán cũng phải tăng lên để cân xứng với bối cảnh. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có những mảnh đất bị người dân hoặc "cò" đất thổi phồng giá trị.
Còn việc rao bán rầm rộ lúc này trên các trang mạng cũng chỉ là tạo sóng mới kiếm thêm thông tin người mua.
Bởi thực chất Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, không ai đi mua và xem nhà đất vào lúc này. Đó chưa kể, nhà đất là mặt hàng có giá trị lớn và chỉ xem trực tiếp mới quyết định ký kết.
Tránh "sốt đất", quy hoạch cần được công khai
Không thể phủ nhận rằng, những khu vực có quy hoạch trung dài hạn thì sốt đất xảy ra là do sự kỳ vọng của nhà đầu tư giá đất tăng theo cơ sở hạ tầng là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi quy hoạch chưa công bố rõ ràng, cùng với sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch liên tục thì đó là cơ sở để giới đầu cơ tạo ra các cơn sốt ảo.
Giới chuyên gia dự báo, kịch bản sốt đất sẽ còn lặp lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các nhà đầu tư sau một thời gian dài bị kìm hãm sẽ bắt đầu hoạt động trở lại sôi động hơn.
Quy hoạch đồng bộ hạ tầng một dự án nhà ở phía Tây Hà Nội. Ảnh M.K
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Nhiều trường hợp như quy hoạch sân bay chỉ là dự kiến hoặc nằm trên bản thảo, khi quy hoạch chưa được công khai hoặc mới chỉ rò rỉ thông tin bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đầu tư lừa đảo, căng biển, rao bán ngay cả ngay trên đất không phải của mình.
Ông Tùng dự báo: "Không chỉ đến cuối năm 2021 mà cả trong những năm tới, các cơn sốt đất sẽ còn tiếp tục lặp lại nếu như các thông tin quy hoạch dự án không được rõ ràng minh bạch. Những thông tin mập mờ sẽ vô tình tạo điều kiện cho một số người đầu cơ, thổi giá nhằm kiếm lợi. Tình trạng này sẽ khó chấm dứt nếu như không có sự kiểm soát từ chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước".
Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá là "hòn đá tảng" tác động mạnh nhất tới thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, thị trường vẫn còn rất nhiều dự án "ma" và tình trạng "sốt" đất vẫn diễn ra do hệ thống thông tin đến không đầy đủ, nhà đầu tư xuống tiền do phong trào chứ không có sự tính toán kỹ lưỡng.
Đơn cử như tại khu vực Thủ Đức của TP.HCM, khi mới có quyết định lên thành phố thì đất ở khu vực này đã rất sốt vì đã có sự thay đổi lớn về mặt hành chính.
Dự báo 6 tháng cuối năm, ông Đỗ Viết Chiến luôn đặt ra kịch bản gắn liền với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Theo ông, "Nếu dịch bệnh được kiểm soát, một số phân khúc bất động sản sẽ duy trì phát triển nhanh, điển hình đó là nhà ở, đất nền, Bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, vẫn có những khu vực nóng do ăn theo các thông tin hạ tầng, quy hoạch".