Loạt chính sách mới có giúp “rã đông” thị trường bất động sản?

Ngày xem: 2023/04/19 13:48:51 - Lượt xem: 446

Sau loạt chính sách mới về đất đai, thuế và trái phiếu được ban hành trong năm 2022, nhiều nghị quyết quan trọng cũng được ban hành kể từ đầu năm 2023 tới nay được kỳ vọng sẽ giúp thị trường Bất động sản chuyển biến tích cực hơn.

Nghị định 08 - Gỡ điểm nghẽn trái phiếu doanh nghiệp

Loạt chính sách mới có giúp rã đông thị trường bất động sản?

Nghị định 08/NĐ-CP giúp các doanh nghiệp và các công ty chứng khoán 'dễ thở' hơn và tăng khả năng thành công các đợt phát hành.

Sau hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 17/2 nhằm tìm cách tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh và bền vững, đến ngày 05/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định 08 cho phép các công ty kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm 2 năm. Doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.

Việc này phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật. Tất cả dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa các bên.

Nghị quyết 33 - Cơ hội để khơi thông thị trường bất động sản

Loạt chính sách mới có giúp rã đông thị trường bất động sản?

Nghị quyết 33/NQ-CP tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn quan trọng là nguồn vốn và pháp lý - Ảnh minh họa.

Ngày 11/3, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh.

Nghị quyết với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai chương trình tín dụng (gói tín dụng) khoảng 120.000 tỉ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

Quyết định 388 - Phê duyệt Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Loạt chính sách mới có giúp rã đông thị trường bất động sản?

Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động - Ảnh minh họa.

Ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp, trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Cụ thể, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội.

Phải đảm bảo quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ; coi chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương.

Bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.

Nghị định 10 – Bổ sung điều kiện cấp sổ hồng cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng

Loạt chính sách mới có giúp rã đông thị trường bất động sản?

Các sản phẩm nghỉ dưỡng nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được chứng nhận quyền sở hữu công trình - Ảnh minh họa.

Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Nghị định số 10 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được ban hành ngày 3/4. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2023.

Như vậy căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản) sẽ được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Tin liên quan