Xu hướng tăng mạnh cho vay kinh doanh bất động sản được ghi nhận tại một số ngân hàng có thuyết minh dư nợ cho vay theo ngành tại báo cáo tài chính quý 3-2023.
Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online dựa trên báo cáo tài chính quý 3-2023 từ 10 ngân hàng có thuyết minh vay theo ngành, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng hơn 150.000 tỉ đồng sau 9 tháng.
Cho vay bất động sản: Nơi tăng, chỗ giảm
Cụ thể theo báo cáo tài chính quý 3-2023, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank (TCB) cuối tháng 9-2023 là 160.237 tỉ đồng, tăng hơn 51.000 tỉ đồng với đầu năm.
Không chỉ tăng mạnh, bất động sản cũng là lĩnh vực có dư nợ lớn nhất nhóm các khoản vay tổ chức kinh tế của Techcombank.
Đến cuối tháng 9, bất động sản chiếm 34,63% dư nợ, cao hơn mức 26,44% đầu năm. Cần lưu ý, con số này chỉ phản ánh các khoản cho vay khách hàng tổ chức, chưa tính cá nhân.
Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và công nghiệp chế tạo là những ngành có dư nợ lớn tiếp theo tại Techombank nhưng chỉ chiếm lần lượt 8,82% và 8,02%.
Tại SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản trên báo cáo hợp nhất đến ngày 30-9-2023 là hơn 67.600 tỉ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm.
Mảng kinh doanh bất động sản đang giữ vị trí thứ hai với 16,08% tổng dư nợ của SHB, tăng đáng kể so với mức 6,75% đầu năm. Tại SHB, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là lĩnh vực chiếm dư nợ lớn nhất với hơn 29%.
VPBank (VPB) cũng có dư nợ kinh doanh bất động sản lớn và tăng sau 9 tháng. Tại báo cáo hợp nhất, hết tháng 9-2023, VPB cho vay hơn 98.000 tỉ đồng vào kinh doanh bất động sản, tăng 45% so với đầu năm và chiếm gần 19% tổng dư nợ.
Ngoài ra, nhà băng này còn cho vay hơn 88.400 tỉ đồng khách hàng cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở, chiếm gần 17%.
Nằm trong "top" các ngân hàng đổ thêm tín dụng vào kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 9 này còn có HDBank, MBBank, TPBank, VietBank, MSB…
Tại HDBank, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 35.600 tỉ đồng, tăng gần 14.700 tỉ đồng so với đầu năm.
Còn ở MBBank, cho vay kinh doanh bất động sản cuối quý 3-2023 là hơn 34.500 tỉ đồng, tăng hơn 13.000 tỉ đồng so với đầu năm và chiếm tỉ trọng 6,44% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tại MBBank, cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng hộ gia đình chiếm tỉ trọng lớn nhất với hơn 28%, tương đương hơn 153.000 tỉ đồng.
Một ngân hàng khác cũng tăng cho vay bất động sản là TPBank. Cho vay lĩnh vực này tại TPB cuối tháng 9 đạt hơn 13.600 tỉ đồng, chiếm 7,58% tổng dư nợ và tăng gần 3.500 tỉ đồng so với đầu năm.
Ngược lại, một số nhà băng ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản giảm như Ngân hàng Bản Việt (BVB) hay VIB...
Tín dụng tăng mạnh vào phân khúc nào?
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, báo cáo Bộ Xây dựng mới đây cho biết đến ngày 31-8-2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỉ đồng, tăng hơn 26.000 tỉ đồng so với cuối tháng 7 liền trước.
Trong đó, dư nợ các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở, dự án văn phòng; khu công nghiệp; nhà hàng khách sạn; xây dựng sửa chữa nhà ở để bán, cho thuê đều tăng. Ngược lại cho vay mua quyền sử dụng đất, đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng giảm.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế như hạ lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Đặc biệt với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Với nỗ lực từ nhiều phía, trong báo cáo quý 3-2023, Hội môi giới bất động sản nhận định thị trường tuy chưa đủ lực để có thể "vượt dốc" nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ "mất phanh".
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch vẫn chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Một số khó khăn được chỉ ra như doanh nghiệp bất động sản còn khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, khó huy động trái phiếu, tín dụng...