Mở rộng quốc lộ 50 sẽ tạo kết nối liên vùng

Ngày xem: 2021/06/28 09:01:29 - Lượt xem: 1089

Ngoài giải quyết ùn tắc giao thông, giảm tai nạn, việc mở rộng quốc lộ 50 còn tăng cường kết nối giữa TP.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây.

Sáng qua (25-6), tại kỳ họp thứ nhất, HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ (QL) 50, huyện Bình Chánh. Các đại biểu HĐND TP đã biểu quyết, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư là gần 1.500 tỉ đồng.

Mở rộng quốc lộ 50 sẽ tạo kết nối liên vùng - ảnh 1
Cảnh ùn ứ, kẹt xe thường thấy tại quốc lộ 50. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đã đến lúc phải mở rộng

Theo HĐND TP, dự án này sẽ tăng cường khai thác tuyến đường trục kết nối TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây, tăng cường kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành.

HĐND TP giao UBND TP đảm bảo pháp lý về đất đai và quy hoạch để thực hiện dự án đúng quy định và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ so với thời gian và tiến độ thực hiện dự án.

UBND TP cũng phải ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách để thực hiện. Ngoài ra, cơ quan này phải tập trung chỉ đạo chính quyền huyện Bình Chánh khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư dự án phần diện tích còn lại trong năm 2022.

Theo tờ trình UBND TP trình HĐND TP.HCM trước đó, QL50 là trục giao thông đối ngoại quan trọng của TP.HCM kết nối với hai tỉnh Long An và Tiền Giang. Đồng thời đây là đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn.

UBND TP cho rằng cần thiết phải mở rộng bởi QL50 hiện nay mặt đường hẹp, song có lượng lớn các phương tiện di chuyển như xe tải, xe chở rác, xe container lưu thông hỗn hợp với xe máy, xe thô sơ. Vì thế QL50 thường xuyên ùn ứ (đặc biệt tại giao lộ QL50 - Nguyễn Văn Linh) và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành có kết nối trực tiếp vào QL50. Khi tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, lưu lượng xe tập trung trên tuyến QL50 sẽ rất lớn, nguy cơ mất an toàn giao thông cao và kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.

Tại kỳ họp HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ đầu tư xây dựng tổng chiều dài tuyến QL50 khoảng 6,92 km. Bao gồm một đoạn dài 4,36 km xây dựng mới đường song hành QL50 và đoạn thứ hai dài 2,56 km mở rộng QL50 hiện hữu (không bao gồm đoạn QL50 thuộc phạm vi dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành); mặt cắt ngang xây dựng rộng 34 m. Tổng kinh phí xây dựng QL50 là 1.500 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách TP.

Tạo kết nối liên vùng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng dựa vào phân tích nhu cầu cần thiết và cấp bách, nhận thấy rằng QL50 cần được nhanh chóng mở rộng. Việc mở rộng để tạo kết nối thuận lợi giữa các trục đường trên địa bàn TP và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại cửa ngõ ra vào trung tâm TP.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ giảm thời gian vận hành, giảm chi phí vận hành trên đường, cải thiện mức sống, tăng hiệu suất sử dụng đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Từ đó, dự án góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.

Sở GTVT cho biết công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án được tách thành tiểu dự án riêng do UBND huyện Bình Chánh tổ chức thực hiện. Đến nay, Ban Bồi thường GPMB bằng huyện đã nhận được bàn giao mặt bằng của 417/729 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng. Vì vậy, công tác GPMB khi thực hiện dự án sẽ tương đối thuận lợi và sớm hoàn thành.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc GPMB đã kéo dài nhiều năm nên cần sớm thực hiện dự án tránh tình trạng người dân tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao, gây khó khăn trong quản lý trật tự đô thị.

Ngày 25-6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, đánh giá QL50 có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết vùng. Theo ông Trung, hiện nay QL50 đã bị quá tải, thường xuyên kẹt xe, gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa. Việc TP.HCM quyết chủ trương mở rộng QL50 thì tình hình giao thông trên QL50 nói riêng và TP.HCM nói chung sẽ được giải tỏa áp lực ùn tắc thường xảy ra.

Cũng theo ông Trung, sau khi mở rộng QL50 sẽ mang lại thuận tiện cho người dân, thông thương hàng hóa và liên kết liền mạch hơn giữa Long An, Tiền Giang và TP.HCM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Được biết, Bộ GTVT cũng cho thảm nhựa lại hơn 30 km QL50 (đoạn qua địa phận Long An) để đảm bảo giao thông, kết nối liên vùng.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2021 đến 2024. Theo kế hoạch, năm 2021 HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư công dự án; lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; lựa chọn tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình.

Năm 2022 sẽ lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và khởi công thi công công trình. Năm 2023 sẽ thi công hoàn thành công trình. Năm 2024 sẽ lập hồ sơ quyết toán công trình.•

Tuyến QL50 cực kỳ quan trọng

Tôi đánh giá QL50 là tuyến giao thông cực kỳ quan trọng và chúng ta phải nhìn nó là tuyến kết nối vùng và cần có chủ trương đầu tư thống nhất để sử dụng cho mục đích chung của toàn vùng.

Việc mở rộng QL50 là cấp bách nên TP cần sớm được thực hiện để đẩy nhanh việc liên kết vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị

Tin liên quan