Năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh này đạt 54.894 tỷ đồng, tăng 8,34 % so với năm 2022.
Mới đây, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023. Ông Trương Quang Phúc, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, cho biết năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt 54.894 tỷ đồng, tăng 8,34 % so với năm 2022.
Theo ông Phúc, tốc độ tăng trưởng năm 2023 của Bình Phước cao là nhờ sự phục hồi và phát triển mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực như ngành nông nghiệp đạt 17.513 tỷ đồng, tăng 10,25%, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào GRDP của tỉnh; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 17.205 tỷ đồng, tăng 7,12% đóng góp 2,26 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh; khu vực dịch vụ 18.119 tỷ đồng, tăng 8,34%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Ông Phúc cho biết thêm, ngành nông nghiệp Bình Phước đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2023, đạt mức tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội.
Sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Phước năm 2023 tiếp tục tăng trưởng so với năm trước, giữ vai trò là động lực chính trong khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp phần tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 10,36% so với năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 11,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,77%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,76%.
GRDP bình quân đầu người năm 2023 của Bình Phước là 93,94 triệu đồng, tăng 9,53% so với năm 2022.
>> Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025
Thị trường hoạt động kinh doanh bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước nhộn nhịp, trên thị trường các đơn vị kinh doanh dự trữ lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 77.806 tỷ đồng, tăng 18,27% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.722 tỷ đồng, tăng 55,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 11.550 tỷ đồng, tăng 93,47%; vận tải hàng hóa đạt 1.074 tỷ đồng, tăng 21,46%.
Số lượt hành khách vận chuyển đạt 6.712,79 ngàn lượt hành khách, tăng 90,55% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.881 tấn, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 260,41 triệu tấn.km, tăng 21,32%.
Năm 2023, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 33.288,93 tỷ đồng, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 33,89% GRDP.
Trong năm ngoái, Bình Phước đã thu hút đầu tư với 13 dự án đầu tư với tổng vốn cấp mới là 2.847 tỷ đồng. Vốn FDI trong các lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, điện, điện tử; cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; năng lượng điện tái tạo… Năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 48 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 739,23 triệu USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc giảm 1,51%, chiếm 97,53% trong lực lượng lao động, tương ứng giảm khoảng 8.933 lao động so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế Nhà nước giảm 1,51%%; Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước giảm 1,52%; Khu vực đầu tư nước ngoài giảm 1,47%.
Trước đó, tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) Bình Phước năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt 49.638 tỷ đồng, tăng 8,42% so với năm 2021.
Nhìn chung, tăng trưởng năm 2023 của tỉnh Bình Phước cao hơn hầu hết các tỉnh phát triển trong vùng như Bình Dương tăng 5,97%, Đồng Nai tăng 5,3% so năm trước.
Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia.
Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên 6.873,56 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.
Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu... đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước. Tính đến ngày 25/11/2022, toàn tỉnh hiện có 441.364ha cây lâu năm. Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều (151.135ha), tiêu (14.941ha), cao su (244.698ha), cà phê (14.588ha).
Nguồn : Trang tin Người Quan Sát