Quốc hội yêu cầu có biện pháp bình ổn thị trường bất động sản

Ngày xem: 2022/11/16 16:11:30 - Lượt xem: 554

Xử nghiêm các vi phạm trong huy động vốn nhưng Quốc hội yêu cầu kịp thời bình ổn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản hoạt động thông suốt.

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 15/11, nêu rõ với lĩnh vực xây dựng, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, nhất là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2023).

Nghị quyết nêu cần có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch, bền vững, an toàn.

Cùng với bình ổn thị trường, không để xảy ra bong bóng bất động sản, Quốc hội giao các cơ quan ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc trục lợi bất hợp pháp. Các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm khi giao dịch, huy động vốn kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm.

Việc chia tách, phân lô bán nền tại khu vực thiếu hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư phải được quản lý chặt. Thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, danh mục, tiến độ xây dựng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản cần được cung cấp kịp thời, đầy đủ.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết, chiều 15/11. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết, chiều 15/11. Ảnh: Media Quốc hội

Ngoài ra, các cơ quan đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, các đơn vị khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính, nhất là trong khâu thẩm định, cấp phép để thúc đẩy phát triển xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản, cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM. Nhà tái định cư cần đảm bảo chất lượng.

Các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Đề án đầu tư xây ít nhất một triệu căn nhà xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 cần sớm ban hành và thực hiện.

Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu có giải pháp tích cực triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất với các dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê, thuê mua. Người có công với cách mạng sẽ được nâng mức hỗ trợ nhà ở. Các địa phương bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Đồng thời, các cơ quan xác định danh mục trụ sở, cơ sở cần phải di dời khỏi nội đô Hà Nội.

Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần quản lý chặt chẽ. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cần khẩn trương hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, tiếp cận khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến.

Việc nghiên cứu, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế (như cát biển, tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đất đá thải loại từ hoạt động khai thác khoáng sản...) trong xây dựng công trình, cần được đẩy mạnh. Các hành vi gom hàng, găm hàng, "thổi giá" vật liệu xây dựng, cần bị xử lý nghiêm.

Tin liên quan