SỨC BẬT MỚI TỪ KHU LIÊN HỢP CÔNG NGHIỆP VÀ ĐÔ THỊ BECAMEX BÌNH PHƯỚC

Ngày xem: 2021/05/12 10:09:59 - Lượt xem: 1235

Từ một tỉnh nông nghiệp còn nhiều khó khăn, những năm gần đây Bình Phước đã có sự chuyển mình với nhiều dự án công nghiệp, hạ tầng quy mô lớn làm gia tăng nguồn thu và tạo lực phát triển mới.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bình Phước

Trong "làn sóng" đầu tư công nghiệp vào Bình Phước, sự đóng góp của Khu Liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Phước với quy mô trên 4.600 ha, đã mở ra cánh cửa thu hút được nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Dự án quy mô lớn

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết những năm gần đây một tín hiệu vui là các dự án đăng ký đầu tư vào Bình Phước đều được các nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, không còn tình trạng dự án đã đăng ký nhưng chỉ "nằm trên giấy". Bà Tuệ Hiền nêu dẫn chứng vào tháng 8-2018, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh có trao chứng nhận đầu tư cho 24 dự án thì hai năm sau đã có 15 dự án đưa vào hoạt động, ba dự án khác đang tiến hành xây dựng, các dự án còn lại cũng đang được tích cực hoàn thiện thủ tục để giải ngân vốn...

Điển hình như dự án tổ hợp nhà máy chăn nuôi, chế biến gà đặt tại khu liên hợp Becacamex Bình Phước, do tập đoàn C.P (Thái Lan) đầu tư đã chính thức đưa vào vận hành từ tháng 12-2020. Đây là một trong những tổ hợp chăn nuôi, chế biến gà khép kín để xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á tính tới thời điểm hiện tại.

"Với mục tiêu xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, thực hiện tốt nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Phước sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình đầu tư với phương châm "xem lợi ích của doanh nghiệp là lợi ích của tỉnh và doanh nghiệp thành công là Bình Phước phát triển"

Ông Montri Suwanposri -Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết sau khi nhận được chứng nhận đầu tư, công ty này đã nhận được sự hỗ trợ từ chủ đầu tư khu công nghiệp, các sở ngành... và công ty đã nỗ lực để đưa tổ hợp vào hoạt động, góp phần hiện đại hóa ngành chăn nuôi, chế biến gà. Ước tính, tổ hợp chăn nuôi chế biến gà này sẽ có công suất giai đoạn đầu tới 50 triệu con/năm, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Phước tới 100 triệu USD/năm và sẽ tăng lên gấp đôi khi hoàn thành giai đoạn 2.

Cũng tại khu liên hợp Becamex Bình Phước, một dự án lớn khác được đầu tư của Tập đoàn Hayat (Thổ Nhĩ Kỳ) với quy mô lên tới 250 triệu USD để sản xuất khăn giấy.... Ước tính, khu liên hợp Becamex Bình Phước chiếm tới trên 1/3 tổng vốn đầu tư nước ngoài của toàn tỉnh Bình Phước từ trước tới nay (tới cuối năm 2020, chỉ tính riêng khu liên hợp Becamex Bình Phước đã thu hút được 49 dự án FDI với tổng vốn gần 1 tỉ USD. Trong đó có rất nhiều dự án có quy mô lớn, tạo sự phát triển lan tỏa).

Chuyển biến hạ tầng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, các dự án được đưa vào hoạt động đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân trong và ngoài tỉnh. Cũng chính từ việc có các khu công nghiệp, thu hút được các dự án lớn đã tạo cơ hội và động lực để Bình Phước tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước, đã có kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để thúc đẩy nhiều dự án giao thông qua địa bàn tỉnh như: mở rộng đường ĐT753 và xây cầu Mã Đà (nối Bình Phước - Đồng Nai) để kết nối về sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải; kiến nghị sớm triển khai tuyến đường sắt xuyên Á giai đoạn 1 từ Chơn Thành đi cảng Cái Mép... để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai tới cảng, xây dựng các tuyến đường nối Bình Phước - Bình Dương...

Từ một tỉnh thu hút đầu tư còn khó khăn, tới nay nhiều khu công nghiệp tại Bình Phước đã có nhiều dự án. UBND tỉnh Bình Phước cho biết đang nghiên cứu, kiến nghị để bổ sung, mở rộng thêm các khu công nghiệp, nâng tổng diện tích công nghiệp trên địa bàn tỉnh để sẵn sàng đón nhà đầu tư như: bổ sung thêm quy hoạch mới khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú (Becamex IDC đầu tư), ba khu công nghiệp tại huyện Phú Riềng, mở rộng các khu công nghiệp Minh Hưng-Sikico, Minh Hưng III, Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú...

Tính tới hết năm 2020, toàn tỉnh Bình Phước có 274 dự án FDI, vốn đăng ký trên 2,7 tỉ USD. Trong đó, những năm gần đây số dự án và lượng vốn đầu tư thu hút mỗi năm đều tăng cao hơn năm trước. Riêng năm 2020 thu hút được tổng 287 triệu USD vốn FDI. Từ sự lan tỏa của công nghiệp, nguồn thu ngân sách của Bình Phước những năm gần đây cũng tăng khá mạnh, đạt trên 11.600 tỉ đồng (năm 2020) và phấn đấu đạt 12.000 tỉ đồng (năm 2021), trong đó sẽ dành tối thiểu 50% để chi cho đầu tư phát triển. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Bình Phước vừa qua vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ tăng trưởng cao của cả nước.

Một góc khu liên hợp Becamex Bình Phước

Đầu tư đồng bộ

Khu liên hợp Becamex Bình Phước được khởi công từ tháng 9-2015 tại huyện Chơn Thành, có vị trí giao thông thuận lợi khi ngay gần nút giao giữa quốc lộ 13 và quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hiện nay các dự án giao thông kết nối từ Bình Dương như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường nhánh Hồ Chí Minh...đều có phương án kết nối thuận lợi với khu liên hợp.

Cũng giống như các khu công nghiệp khác đã được Becamex IDC đầu tư thành công tại Bình Dương và nhiều tỉnh, thành; Becamex Bình Phước cũng được đầu tư phức hợp gồm cả đất công nghiệp, đất dịch vụ, đô thị. Qua đó sẽ tạo sự phát triển lan tỏa, thu hút giá trị gia tăng tốt hơn cho địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC - cho biết bên cạnh đầu tư "hạ tầng cứng" của khu công nghiệp có chất lượng tốt thì tổng công ty cũng đặc biệt quan tâm đến "hạ tầng mềm" (cải cách hành chính, các hoạt động hỗ trợ, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp...) hay các "hạ tầng xã hội" (xây nhà ở công nhân, công viên cây xanh, khu mua sắm...) để tạo ra sự phát triển đồng bộ, bền vững giữa công nghiệp – dịch vụ - đô thị, qua đó đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex Bình Phước còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa hai tỉnh "anh em" cùng tách ra từ tỉnh Sông Bé là Bình Dương-Bình Phước để cùng sự hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển.

Tin liên quan