Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Hoa Lư (CT.30) có chiều dài 130 km, quy mô 6 làn xe.
Ảnh minh họa
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước về quy mô đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước.
Trước đó, Bộ GTVT nhận được đề nghị của tỉnh Bình Phước xin ý kiến về quy mô đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án.
Theo Bộ GTVT, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Hoa Lư (CT.30) có chiều dài 130 km được xác định có quy mô 6 làn xe.
Trong đó, đoạn TP. HCM - Chơn Thành dài 60 km có điểm đầu tại đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, điểm cuối tại Chơn Thành (Bình Phước), đầu tư trước năm 2030; đoạn Chơn Thành - Hoa Lư dài 70km có điểm đầu tại Chơn Thành (Bình Phước), điểm cuối tại cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), đầu tư sau năm 2030.
“Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành quốc gia, trong đó định hướng phân bổ không gian, định hướng kết nối, quy mô, lộ trình đầu tư”, Bộ GTVT cho biết.
Đối với đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành có chiều dài khoảng 60 km, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP (đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương) và giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan chủ quản đầu tư đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước.
“Đề nghị UBND tỉnh Bình Phước phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bình Dương để nghiên cứu, lựa chọn phương án hướng tuyến của cao tốc TP.HCM- Chơn Thành phù hợp, bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng, các khu tập trung đông dân cư, các khu di tích, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, kết nối thuận lợi với các khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển không gian đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.
Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đang tổ chức lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở GTVT Bình Phước phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật hướng tuyến và nội dung của Dự án cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước vào Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về quy mô đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Bình Phước dự kiến phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn khấp trên toàn tuyến) với bề rộng nền đường phần cao tốc 25,5m, trong đó các yếu tố trên mặt cắt ngang gồm: bề rộng làn xe chạy 3,75m; bề rộng làn dừng xe khẩn cấp 3m; bề rộng dải an toàn 0,75m; bề rộng dải phân cách giữa 1,5m; có bố trí hệ thống điện chiếu sáng ở giữa.
Theo Bộ GTVT, việc phân kỳ đầu tư và bố trí mặt cắt ngang giai đoạn phân kỳ nêu trên cơ bản phù hợp với Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729:2012 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc QCVN 115:2024 (có hiệu lực từ ngày 1/10/2024).
Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu, bổ sung kết quả khảo sát, dự báo nhu cầu vận tải (bao gồm nhu cầu vận tải trên cao tốc và nhu cầu vận tải trên đường song hành) để làm cơ sở đề xuất việc phân kỳ đầu tư Dự án đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, đồng thời làm cơ sở đề xuất quy mô đầu tư của hệ thống đường gom, đường bên.
Về phương án kết nối với Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, Bộ GTVT cho biết, Dự án cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước có hướng tuyến cắt qua Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước nên việc nghiên cứu phương án bố trí nút giao (hoặc chỗ ra, vào trên đường cao tốc) để kết nối cao tốc với Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả đầu tư Dự án, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư do Sở GTVT Bình Phước lập không đề cập đến việc nghiên cứu phương án kết nối nêu trên và cũng không có bản vẽ thiết kế sơ bộ kèm theo. Do vậy, Bộ GTVT không có cơ sở tham gia ý kiến về phương án kết nối theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước. “Đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở GTVT Bình Phước nghiên cứu tổng thể phương án phát triển mạng lưới đường bộ của Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước và khu vực thị xã Chơn Thành trong quy hoạch tỉnh để đề xuất phương án kết nối giữa cao tốc với Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường bộ cao tốc”, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị.