Đây là tuyến cao tốc sẽ kết nối Bình Phước – cửa ngõ vùng Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
TIN LIÊN QUAN
- Ẩn số tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
- Đồng loạt triển khai 3 gói thầu cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án cao tốc trên địa bàn Khánh Hòa và Bình Định
Một đoạn đường Quốc lộ 14 qua TP.Đồng Xoài |
UBND tỉnh Bình Phước vừa có tờ trình số 144/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức PPP.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước muốn người đứng đầu Chính phủ xem xét, chấp thuận giao cho tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai các thủ tục của pháp luật kêu gọi đầu tư đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của Nhà nước).
Trong tờ trình 144, ông Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng tam giác phát triển C-L-V; là cửa ngõ giao thương kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đồng thời có hơn 260 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Tuy nhiên, hệ thống giao thông của tỉnh hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các tuyến giao thông kết nối liên kết vùng, khu vực vẫn còn hạn chế.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được quy hoạch đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn, theo UBND tỉnh Bình Phước, việc đầu tư TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là rất cần thiết và cấp bách.
Điều đáng nói là tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đang được Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cùng đơn vị tư vấn thiết kế đang làm việc với các địa phương để rà soát hướng tuyến của tuyến đường.
Theo đó, đơn vị tư vấn đang cân nhắc 3 phương án đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Phương án 1, tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành đi theo hướng tuyến của của đường Mỹ Phước – Tân Vạn, có chiều dài 55,6 km, tổng mức đầu tư 33.000 tỷ đồng. Phương án 2, tuyến có điểm đầu tại nút giao An Phú, điểm cuối tại Chơn Thành, đi theo Tỉnh lộ 743, 745, có tổng mức đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng. Phương án 3, tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành, đi trùng theo hành lang đường sắt quy hoạch TP.HCM – Lộc Ninh, có chiều dài 55,9 km, tổng mức đầu tư 21.600 tỷ đồng.