Ngày 15/11, UBND tỉnh Bình Phước cho hay, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có quyết định phê duyệt đề án phát triển giao thông kết nối vùng và nội tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2025, địa phương này sẽ thực hiện 34 dự án đường với kinh phí dự kiến hơn 16.600 tỷ đồng.
Bình Phước đặt mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục kết nối 3 trung tâm tạo động lực gồm TP.Đồng Xoài - TX.Chơn Thành và huyện Đồng Phú; 3 vùng đô thị có sức lan tỏa gồm TP.Đồng Xoài - TX.Bình Long - TX.Phước Long và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.
Vị trí xây dựng cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa
Ngoài ra, Bình Phước đầu tư nâng cấp, mở mới một số tuyến đường kết nối nội tỉnh như: ĐT 752, ĐT 758, quốc lộ 14 đoạn TP.Đồng Xoài – huyện Chơn Thành, huyện Đồng Phú - TX.Chơn Thành, tuyến đường Minh Lập (TX.Chơn Thành) - Bù Nho (huyện Phú Riềng).
Ngoài các dự án đường riêng do địa phương chủ động thực hiện với tổng kinh phí trên 16.600 tỷ đồng, Bình Phước còn phối hợp tỉnh Đắk Nông để xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 140km kết nối vùng Tây nguyên.
Đối với dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), tỉnh Bình Phước đã có kiến nghị Trung ương xem xét và hỗ trợ vốn ngân sách thêm 5.000 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 dành cho tỉnh Bình Phước để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc này.
Tỉnh Bình Phước cho rằng, việc hỗ trợ thêm 5.000 tỷ đồng sẽ giúp dự án rút ngắn thời gian thu phí từ 26 năm 6 tháng xuống còn 21 năm 9 tháng. Hiện tại, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn đang tính toán tổng mức đầu tư dự kiến cho cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) từ 28.377 đến hơn 29.700 tỷ đồng, thời hạn thu phí từ 23 năm 2 tháng đến 30 năm 10 tháng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 4.000 đến 9.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bình Phước cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện đầu tư các tuyến đường liên kết vùng quan trọng như: dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Chơn Thành (Bình Phước) - Đức Hòa (Long An); tuyến đường ĐT 753 kết nối với tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu); tuyến đường phía tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư và kết nối với đường trục chính KCN Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn; tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương kết nối với tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Vành đai 4.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bình Phước chỉ thu hút được 30 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký trên 107 triệu USD, thuộc diện thấp của khu vực Đông Nam bộ. Trước thực trạng đó, Bình Phước cần những biện pháp để khơi thông nguồn vốn quan trọng này trong thời gian tới. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là yếu tố then chốt.
Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 8.290 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 730 ha cụm công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy đạt từ 60%. Đến năm 2030, phát triển 11.522 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 1.279 ha cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy đạt từ 60-70%.