Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng đi qua 3 huyện, kết nối các huyết mạch ở Bình Dương có chiều dài hơn 48km với tổng kinh phí 3.807 tỷ đồng vừa được khởi công xây dựng.
Ngày 5/10, Bình Dương tổ chức lễ khởi công tuyến đường từ xã Tam Lập (huyện Phú Giáo) đến huyện Bàu Bàng và tuyến đường từ xã Tân Long đến thị trấn Lai Uyên (Bàu Bàng) thuộc dự án tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương, có tổng chiều dài tuyến hơn 48 km, rộng 6 làn xe, đi qua 3 huyện gồm: Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng. Đường kết nối các huyện và gắn kết giao thông với các trục chính như ĐT746; ĐT741; ĐT750; ĐH502, Quốc lộ 13. Ngoài ra, dự án còn giúp rút ngắn khoảng di chuyển giữa các địa phương như khu công nghiệp đô thị Bàu Bàu với KCN Đất Cuốc, KCN VSIP 3 đang quy hoạch tại huyện Bắc Tân Uyên; kết nối Bàu Bàng, Tây Ninh với huyện Đồng Phú, TP Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước…
Tuyến đường có tổng mức đầu tư xây lắp gần 3.807 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương được chia thành 4 dự án và giao cho UBND các huyện có tuyến đi qua làm chủ đầu tư. Trong đó, 1 dự án đã khởi công, 1 dự án đang lựa chọn nhà thầu thi công và 2 dự án được khởi công hôm nay (5/10).
Trong đó, dự án xây dựng đường từ xã Tam Lập (Phú Giáo) đến huyện Bàu Bàng dài gần 17,8km với tổng mức đầu tư gần 1.471 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường từ xã Tân Long đến thị trấn Lai Uyên (Bàu Bàng) dài gần 8,7km với tổng mức đầu tư gần 564 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại ngã 3 Tân Thành, đường ĐT.746 (cách trụ sở UBND xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên khoảng 100m), điểm cuối tuyến tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.
Việc đầu tư dự án xây dựng đường này, Bình Dương kỳ vọng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo thành trục đường liên kết, nâng cao hiệu quả khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của 3 huyện nói riêng và khu vực tỉnh Bình Dương nói chung.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, đây là tuyến giao thông quan trọng nhằm liên kết vùng trong khu vực và các tỉnh, thành phố lân cận. Qua đó, tạo điều kiện rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng ở tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nguồn: báo Tiền Phong.